Cùng quan điểm nên chuyển đổi công năng các dự án sai phạm (tức ‘phạt cho tồn tại’) thay vì đập bỏ các công trình dự án, song nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị hướng dẫn rõ nội hàm ‘hợp thức hóa sai phạm’ để các địa phương có cơ sở triển khai xử lý.
Đại biểu Lê Thanh Hoàn (đoàn Thanh Hóa) đề nghị làm rõ như thế nào là “không hợp thức hóa sai phạm”
Tiếp chương trình Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV, tại phiên thảo luận hội trường ngày 28/10 đóng góp ý kiến cho báo cáo kết quả giám sát chuyên đề về tình hình thực hiện chính sách pháp luật bất động sản và nhà ở xã hội giai đoạn 2015-2023, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị có quy định cụ thể để xử lý dứt điểm các dự án sai phạm nhằm khơi thông nguồn lực đất đai phục vụ phát triển kinh tế xã hội.
Đại biểu Lê Thanh Hoàn (đoàn Thanh Hóa) nêu vấn đề, trong dự thảo nghị quyết giám sát đã giao Chính phủ có cơ chế giải quyết phù hợp, xử lý dứt điểm đối với các dự án bất động sản khó khăn, vướng mắc pháp lý; trên cơ sở xem xét toàn diện các yếu tố thực tiễn, khách quan, hoàn cảnh lịch sử cụ thể và đánh giá đầy đủ lợi ích, chi phí và tính khả thi của phương án giải quyết.
Dự thảo cũng hướng dẫn rõ nội hàm “không hợp thức hóa vi phạm” để nâng cao hiệu quả công tác xây dựng và thực thi pháp luật.
Về vấn đề này, đại biểu Hoàn đồng tình song cho rằng cần phải làm rõ thêm về quan điểm không hợp thức hóa các vi phạm để có cơ sở giải quyết dứt điểm những vướng mắc, tồn đọng đối với các dự án bất động sản trong thời gian vừa qua.
“Đây cũng là khó khăn mà tổ công tác được thành lập theo Quyết định 153 của Thủ tướng Chính phủ vào tháng 1/2022 đang gặp phải, chưa có những giải pháp hữu hiệu để tháo gỡ”, ông Hoàn nhấn mạnh.
Theo đại biểu, trên thế giới và cả ở Việt Nam, việc hợp pháp hóa những thứ bất hợp pháp thường khó khăn, tuy nhiên cần cân nhắc lợi ích và thiệt hại để xử lý hài hòa.
Đối với các dự án, công trình xây dựng vi phạm thì chỉ có 2 lựa chọn khả thi là thu hồi dự án, phá bỏ công trình vi phạm hoặc chính thức hóa nó, đưa nó trở lại nền kinh tế. (Ngoài ra, còn một phương án thứ ba là “giải cứu” tạm thời rồi để đó chờ pháp luật điều chỉnh, tuy nhiên không được đánh giá cao do lãng phí nguồn lực và dễ tạo tiền lệ pháp lý xấu).
“Khi phá dỡ các công trình xây dựng vi phạm thường gây lãng phí về nguồn lực xã hội với các chi phí đáng kể về kinh tế, chi phí pháp lý hành chính, xã hội, lượng khí thải carbon và ảnh hưởng đến môi trường. Những chi phí này hiếm khi xứng đáng so với lợi ích của việc phá dỡ.
Ngoài ra, trong một số trường hợp còn phải bố trí tái định cư khi người ở không có nơi cư trú nào khác”, đại biểu phân tích và nhấn mạnh, chính vì vậy Luật Đất đai 2024 có điều khoản quy định chấp nhận hợp pháp hóa quyền sử dụng đất cho dù mảnh đất đó có nguồn gốc ban đầu là xuất phát từ hành vi vi phạm pháp luật, để bảo vệ người thứ ba ngay tình.
Quốc hội dành cả ngày 28/10 để thảo luận về báo cáo giám sát chuyên đề về thị trường bất động sản và nhà ở xã hội.
Từ kết quả giám sát cho thấy thực trạng vướng mắc, khó khăn của các dự án bất động sản và nhà ở xã hội hiện nay, đại biểu đoàn Thanh Hóa cho rằng: “Chúng ta cần quyết liệt rà soát từng dự án, có giải pháp tháo gỡ trên quan điểm nội dung nào cần phải sửa đổi, bổ sung theo quy định của pháp luật, nội dung nào cần xử lý bằng bản án, quyết định của cơ quan thẩm quyền.
Nếu không thì bản chất chúng ta không làm gì cả, cuối cùng vẫn để dự án đó tiếp tục cỏ mọc, công trình dở dang, nằm phơi nắng, phơi mưa, nguồn lực xã hội vẫn tiếp tục đắp chiếu để đó.
Việc không hợp thức hóa sai phạm cần phải được làm rõ về nội hàm và đây là một vấn đề rất phức tạp, bởi khó có thể có một quy định chung đúng cho tất cả các trường hợp”.
Đồng quan điểm, đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) cho rằng, phải có cơ chế phù hợp, dứt điểm giải quyết những dự án đang còn tồn đọng, cụ thể là cần phải hướng dẫn rõ nội hàm “không hợp thức hóa sai phạm”.
Theo đại biểu, rất nhiều thông báo, kết luận của các cấp bao giờ cũng có một câu “không hợp thức hóa sai phạm”, nhưng nếu cứ nói chung chung như và không diễn giải ra thì rất khó thực hiện.
Ông An cho biết, ở Đồng Nai có những dự án hàng tỷ USD nhưng chỉ liên quan tới sai phạm có thể do nhận thức, có cả sai phạm của doanh nghiệp và thiếu sót của chính quyền.
“Vậy, sai phạm nào của doanh nghiệp thì chúng ta phải xử lý nhanh, xử lý dứt điểm để doanh nghiệp tiếp tục kinh doanh, còn những gì thiếu sót của chính quyền thì phải xử lý ngay để cho doanh nghiệp tiếp tục hoạt động”, đại biểu đoàn Đồng Nai đề nghị.
Đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai)
Đi vào xử lý, đại biểu Trịnh Xuân An cho rằng nên tập hợp một danh mục dự án vướng mắc để giao cho Chính phủ, như đã từng giao danh mục dự án trong giám sát chuyên đề về thực hành tiết kiệm chống lãng phí.
Ông An cũng đồng tình với nguyên tắc là xử lý phải đặt trong bối cảnh lịch sử. Theo đó, sai phạm có thể do nhận thức, có thể do cách hiểu pháp luật, nhưng nếu không làm sai tổng thể đến quy hoạch, nếu giữ nguyên được những chỉ số chung về mặt đô thị, về mặt dân cư, đặc biệt không ảnh hưởng lớn tới cấu trúc và không phải sai phạm mang tính chất chủ quan thì chúng ta nên hạn chế việc bắt doanh nghiệp phải đập phá, phải chỉnh sửa nhiều quá, sẽ gây lãng phí vì hàng trăm tỷ đã đổ vào.
“Thị trường bất động sản cũng gắn với an ninh trật tự, cũng gắn với quyền lợi của khách hàng, gắn với vấn đề lợi ích cho nên chúng ta phải rất coi trọng vấn đề đánh giá đầy đủ và vấn đề về an ninh trật tự liên quan đến bảo đảm quyền của người dân và của doanh nghiệp”, đại biểu nhấn mạnh.
Cũng góp ý về vấn đề này, đại biểu Lý Tiết Hạnh (đoàn Bình Định) đồng tình với kiến nghị Chính phủ cần đặt trọng tâm nhiệm vụ xem xét, tháo gỡ khó khăn pháp lý đối với các dự án đang vướng mắc hiện nay. Không hợp thức hóa sai phạm nhưng nếu không làm gì cả thì chúng ta sẽ mãi mãi không tháo gỡ được những vướng mắc này.
Biểu hiện của các dự án sai phạm là các công trình, là tài sản của doanh nghiệp, tài sản của xã hội và cả tài sản của người dân. Đại biểu cho rằng, nên nghiên cứu cách xử lý phù hợp.
Theo quan điểm, cách tiếp cận, góc nhìn cá nhân, đại biểu Lý Tiết Hạnh cho rằng, chúng ta nên sử dụng nguồn lực này có hiệu quả, có thể chuyển đổi công năng sử dụng cho phù hợp, đồng thời vẫn xử lý sai phạm. Chính phủ cần nghiên cứu đưa ra khung pháp lý đối với từng nhóm vướng mắc, mạnh dạn giao thẩm quyền cho địa phương trong xử lý, kể cả điều chỉnh hoặc đề xuất điều chỉnh quy hoạch để đưa các dự án trên từng địa bàn vào khai thác, sử dụng phù hợp với thực tiễn phát triển kinh tế – xã hội trên từng địa bàn.
Ngoài ra, đại biểu phản ánh, trong thực tiễn quá trình xây dựng nhiều dự án, doanh nghiệp đã thu tiền cọc của người mua thông qua các hợp đồng dân sự và hiện nay nhiều người mua nhà dạng này đang rất khó khăn, nhất là những người mua thông qua vay vốn từ các ngân hàng mà hiện nay chu kỳ ưu đãi lãi suất đã kết thúc.
Từ đó, bà Hạnh đề nghị đối với những người dân đã mua ngay tình và nay vì vướng mắc không phải lỗi từ phía họ nhưng họ vẫn bị ảnh hưởng quyền lợi thì cần có các chính sách để giúp họ vượt qua khó khăn.
Minh Minh
Nguồn: https://tinnhanhchungkhoan.vn/xu-ly-du-an-bat-dong-san-sai-pham-dap-bo-thi-lang-phi-nhung-phat-cho-ton-tai-thi-thieu-huong-dan-cu-the-post356872.html