Trang chủ Tin Tức Ngăn chặn sàn giao dịch và môi giới bất động sản cấu...

Ngăn chặn sàn giao dịch và môi giới bất động sản cấu kết đầu cơ

19
0

Bộ Xây dựng vừa công bố báo cáo thị trường bất động sản (BĐS) quý 3, trong đó ghi nhận giá chung cư tại Hà Nội, TPHCM tiếp tục tăng. Điều đó cho thấy thị trường vẫn chưa được kiểm soát sau rất nhiều nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương. Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Vương Duy Dũng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS, Bộ Xây dựng xung quanh vấn đề này.

PHÓNG VIÊN: Theo báo cáo vừa được Bộ Xây dựng công bố, nguồn cung bất động sản tại Hà Nội, TPHCM đã dồi dào hơn nhưng giá vẫn tăng cao. Ông có thể lý giải tình trạng này?

Ông Vương Duy Dũng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS, Bộ Xây dựng

* Ông VƯƠNG DUY DŨNG: Qua tổng hợp, phân tích cho thấy, nguồn cung chỉ là một trong các nguyên nhân làm tăng giá BĐS. Giá tăng còn do nhiều yếu tố khác. Trong đó, có 2 yếu tố mới là: chi phí liên quan đến đất đai tăng cùng với tác động khi áp dụng phương pháp tính và bảng giá đất mới; biến động của nền kinh tế liên quan đến thị trường chứng khoán, trái phiếu, vàng dẫn đến xu hướng chuyển dịch dòng tiền của người dân, nhà đầu tư sang BĐS…

Hiện vấn đề chi phí liên quan đất đai tăng thực sự là một gánh nặng đối với nhà đầu tư. Có thể thấy, việc quản lý, thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất tại một số khu vực, địa phương thời gian qua chưa tốt. Thực tế này đang tác động làm tăng mặt bằng giá, kéo theo việc làm tăng chi phí triển khai thực hiện dự án nhà ở, gây khó khăn cho doanh nghiệp, dẫn đến nhiều tác động tiêu cực đến thị trường.

Trước diễn biến phức tạp của thị trường như vậy, Bộ Xây dựng đã có động thái như thế nào?

* Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước, Bộ Xây dựng mới đây đã đề xuất Chính phủ hàng loạt giải pháp mới, hy vọng sẽ là những công cụ hữu hiệu để kiểm soát thị trường. Cụ thể, Bộ Xây dựng đề xuất nghiên cứu, hoàn thiện các quy định liên quan đến đấu giá quyền sử dụng đất theo hướng tăng tiền đặt cọc, xác định giá đất khởi điểm sát hơn với tình hình thực tế khu vực, rút ngắn thời gian nộp tiền trúng đấu giá, hạn chế người tham gia đấu giá với mục đích đầu cơ.

Bên cạnh đó, theo tôi, các cơ quan hữu quan cần nghiên cứu, áp dụng chính sách đánh thuế đối với trường hợp sở hữu nhiều nhà, đất để hạn chế đầu cơ, việc mua đi bán lại nhà, đất trong thời gian ngắn để kiếm lời, đảm bảo phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội của Việt Nam và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Bộ Xây dựng cũng đề xuất Chính phủ sớm có giải pháp, biện pháp hạn chế tác động tiêu cực của việc ban hành bảng giá đất theo quy định của Luật Đất đai năm 2024 đến giá đất, giá nhà và thị trường bất động sản. Bên cạnh đó, các cấp có thẩm quyền xem xét thí điểm mô hình “Trung tâm giao dịch bất động sản và quyền sử dụng đất do Nhà nước quản lý” nhằm ngăn chặn sàn giao dịch bất động sản, hoạt động môi giới bất động sản cấu kết gây nhiễu loạn thị trường…

Khu dân cư trên trục đường Nguyễn Lương Bằng, quận 7, TPHCM Ảnh: HOÀNG HÙNG

Về nhà ở xã hội, lãnh đạo bộ từng khẳng định là những bất cập của thị trường sẽ được giải quyết căn bản khi Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản đi vào cuộc sống. Thế nhưng đến nay, việc triển khai 2 luật này vẫn đang khá chậm trễ?

* Tại Luật Nhà ở, có 10 nội dung thuộc thẩm quyền hướng dẫn của địa phương, trong đó có 1 nội dung thuộc thẩm quyền của HĐND (cơ chế hỗ trợ thực hiện dự án đầu tư nhà ở xã hội) và 9 nội dung thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh (trong đó có nội dung về địa điểm, vị trí phát triển nhà ở; tiêu chí đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại; khung giá thuê nhà ở xã hội; khung giá dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư…).

Bộ Xây dựng mới ghi nhận được 13 địa phương đã ban hành các văn bản quy định chi tiết Luật Nhà ở, còn 50 địa phương chưa ban hành. Theo thông tin mới cập nhật, hiện đã có thêm 10 địa phương đang trình UBND tỉnh xem xét, ban hành; số còn lại đang trình lấy ý kiến thẩm định của sở tư pháp. Bộ Xây dựng đang tiếp tục đôn đốc, theo dõi và hướng dẫn các địa phương khẩn trương ban hành theo thẩm quyền, để sớm đưa các nội dung mới được quy định tại 2 luật trên vào thực tiễn cuộc sống một cách hiệu quả.

Việc triển khai nhà ở xã hội hiện có đáp ứng tiến độ đặt ra không, thưa ông?

* Hiện cả nước có 622 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai với quy mô 565.177 căn. Trong đó, 79 dự án đã hoàn thành; 131 dự án đã được khởi công; 412 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư. Tuy nhiên, tính chung số lượng căn hộ đã được khởi công và hoàn thành đến nay mới đạt khoảng 36% mục tiêu của đề án 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội đến năm 2025.

Để hoàn thành mục tiêu theo kế hoạch đề ra không đơn giản và trách nhiệm chính thuộc về các địa phương. Bên cạnh các giải pháp đã đề ra, Bộ Xây dựng đề nghị, đối với các dự án đã khởi công xây dựng, các địa phương cần thúc đẩy để hoàn thành dự án ngay trong năm 2024. Đối với các dự án đã chấp thuận chủ trương đầu tư cần khẩn trương triển khai các thủ tục lựa chọn chủ đầu tư; giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; lập, thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật; cấp phép xây dựng… để khởi công, xây dựng ngay trong năm 2024. Đối với các quỹ đất nhà ở xã hội chưa được chấp thuận chủ trương đầu tư, các địa phương cần khẩn trương lập quy hoạch; thẩm định báo cáo tiền khả thi; cập nhật dự án vào chương trình kế hoạch của địa phương… để hoàn thành thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư.

BÍCH QUYÊN

Nguồn: https://sggp.org.vn/ngan-chan-san-giao-dich-va-moi-gioi-bat-dong-san-cau-ket-dau-co-post766656.html

Bài trướcHà Nội: Sân chung cư tái định cư bỏ hoang biến thành bãi trông giữ ô tô
Bài tiếp theoGiá bất động sản nhiều nơi tăng thực hay tăng do thổi giá?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây