Đại biểu kiến nghị kiểm tra PCCC định kỳ và cho rằng nên khai thác thêm nguồn nước từ các căn hộ trong chung cư để chữa cháy, giúp công tác này được linh hoạt, kịp thời.
Ngày 1-11, Quốc hội (QH) thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật PCCC và cứu nạn, cứu hộ.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: PHẠM THẮNG
Nhiều cơ sở không đáp ứng PCCC nhưng vẫn hoạt động
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho hay một số ý kiến đề nghị bổ sung quy định riêng về điều kiện bảo đảm an toàn PCCC đối với cơ sở, nhà ở, nhà ở riêng lẻ, đặc biệt là nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh. Có ý kiến đề nghị tách riêng quy định PCCC đối với nhà ở và nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh.
Tiếp thu ý kiến của đại biểu (ĐB), Ủy ban Thường vụ QH đã chỉ đạo tách Điều 17 về phòng cháy đối với nhà ở thành hai điều, gồm Điều 19 về phòng cháy đối với nhà ở và Điều 20 về phòng cháy đối với nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, đồng thời phân loại, bổ sung quy định đầy đủ, phù hợp hơn đối với hai loại hình này.
Đáng chú ý, Điều 20 quy định nhà ở kết hợp với sản xuất, kinh doanh hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ phải bảo đảm không bố trí gian phòng ngủ trong khu vực sản xuất, kinh doanh.
Nêu ý kiến, ĐB Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) đề nghị cần xem xét lại quy định trên theo hướng khuyến khích hoặc nếu thực hiện thì phải có lộ trình phù hợp. Theo ông, quy định này “chưa thực sự phù hợp với thực tiễn”.
“Điều kiện kinh tế của hộ kinh doanh không bố trí được nơi ở khác. Thực tiễn các gian hàng, kiốt ở chợ hiện nay không đủ diện tích để bố trí nơi mua bán và chỗ ngủ phân cách rõ ràng” – ông Mai nói.
ĐBQH tỉnh Đắk Nông cũng đề nghị đánh giá số lượng nhà ở kết hợp với sản xuất, kinh doanh trong cả nước không đáp ứng được quy định này để có hướng xử lý phù hợp. “Trên thực tế, nhiều cơ sở kinh doanh đồng thời bố trí phòng ngủ, sinh hoạt của gia đình, người làm… tại cơ sở sản xuất, kinh doanh” – ông nói.
Còn theo ĐB Đỗ Văn Yên (đoàn Bà Rịa-Vũng Tàu), hiện nhiều cơ sở không đáp ứng được tiêu chuẩn về PCCC nhưng vẫn hoạt động hoặc chỉ khi có sự cố mới phát hiện ra các vi phạm.
“Tôi đề nghị cần có những quy định chi tiết hơn về chế độ kiểm tra PCCC định kỳ, công khai, minh bạch kết quả kiểm tra PCCC tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên trang thông tin điện tử của cơ quan chức năng và tại cơ sở” – ông Yên nói, đồng thời kiến nghị bổ sung điều khoản các cơ sở phải kiểm tra định kỳ sáu tháng/lần về tình trạng hoạt động của các hệ thống PCCC.
Cơ quan chức năng sẽ hoàn chỉnh các chính sách liên quan đến công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ với tinh thần là tạo thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp.
Trang thiết bị chữa cháy mới tiếp cận đến tầng 17
ĐB Tô Ái Vang (đoàn Sóc Trăng) kiến nghị bổ sung quy định về trường hợp công trình nhà ở đã chuyển đổi công năng sang kết hợp kinh doanh. Dẫn chứng các vụ cháy tại quán karaoke và vũ trường xảy ra trước đây, ông Vang nói Chính phủ cần có quy định chặt chẽ hơn đối với công trình đã chuyển đổi công năng kết hợp kinh doanh để tránh những vụ việc đáng tiếc xảy ra.
“Trong số các cơ sở karaoke, vũ trường đang hoạt động, có đến 90% cơ sở được cải tạo từ nhà ở riêng lẻ” – ông Tô Ái Vang nói và thông tin các công trình cải tạo này hầu như không xin phép xây dựng nên bỏ qua các yêu cầu về PCCC.
ĐB Nguyễn Lâm Thành (đoàn Thái Nguyên) đánh giá công tác PCCC quy định trong dự thảo luật đã khá đầy đủ. Tuy nhiên, ông nhận thấy các vụ cháy thường xảy ra ở các nhà trong ngõ nhỏ và chung cư cao tầng, với trang thiết bị chữa cháy hiện rất khó tiếp cận để chữa cháy.
“Với chung cư cao tầng, trang thiết bị chữa cháy mới tiếp cận đến tầng 17, nghĩa là từ tầng 18 trở lên tiếp cận rất khó, khi chúng ta không được như các nước trang bị máy bay trực thăng để xử lý cháy” – ông Thành nói.
ĐBQH đoàn Thái Nguyên đề nghị cần nghiên cứu kỹ hơn về nguồn nước chữa cháy. Theo ông, công tác PCCC đang chỉ tiếp cận nguồn nước riêng biệt và từ các ao, sông, hồ để chữa cháy, nghĩa là mới từ dưới lên. Trong khi đó có một nguồn nước rất quan trọng khác là từ trên xuống, đó là nguồn nước của các gia đình trong chung cư. Việc khai thác nguồn nước này sẽ giúp công tác chữa cháy được linh hoạt, kịp thời.
Giải trình, tiếp thu cuối phiên thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho hay Ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra đã tham mưu Ủy ban Thường vụ QH hoàn chỉnh các chính sách liên quan đến công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ. Tinh thần là tạo thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp và đặt an toàn cho người dân là trên hết, đồng thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực tế hiện nay.
Ông Lê Tấn Tới thông tin Ủy ban Thường vụ QH đã chỉ đạo chỉnh lý các quy định về quản lý chất lượng phương tiện PCCC trong sản xuất, nhập khẩu, lưu thông, sử dụng, bổ sung quy định về trang bị kết nối thiết bị truyền tin báo cháy với hệ thống nguồn tin báo cháy đối với cơ sở, nhà ở. Bên cạnh đó, bỏ quy định kinh doanh dịch vụ PCCC là ngành nghề kinh doanh có điều kiện…
NHÓM PHÓNG VIÊN
Nguồn: https://plo.vn/video/dbqh-kien-nghi-kiem-tra-pccc-dinh-ky-cong-khai-ket-qua-post817851.html