Trang chủ Tin Tức Thống đốc giải trình kiến nghị đại biểu về dự án bất...

Thống đốc giải trình kiến nghị đại biểu về dự án bất động sản khó tiếp cận vốn

7
0

Theo Thống đốc, vốn cho bất động sản đòi hỏi giá trị lớn, thời hạn dài nên phải được huy động từ nhiều kênh, tín dụng chỉ là một trong các kênh huy động vốn của doanh nghiệp.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Trả lời trước Quốc hội chiều nay (28/10) về phản ánh của đại biểu về một số doanh nghiệp bất động sản khó tiếp cận vốn tín dụng, bà Nguyễn Thị Hồng – Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết ở một số thời điểm, hệ thống ngân hàng sẽ phải ưu tiên mục tiêu cấp bách hơn nhằm đảm bảo an toàn hệ thống.

Cho vay bất động sản tín dụng chỉ là một kênh huy động vốn

Hôm nay, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Báo cáo của Đoàn Giám sát và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề “việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023,” một số đại biểu phản ánh về tình trạng doanh nghiệp khó tiếp cận vốn.

Đại biểu Huỳnh Thị Phúc (Đoàn Quốc hội tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) cho biết phần lớn các doanh nghiệp bất động sản nhỏ, vừa gặp khó khăn khi tiếp cận vốn tín dụng một phần vì thiếu tài sản bảo đảm, một phần các ngân hàng kiểm soát rủi ro trong cho vay bất động sản, có thời điểm lãi suất cho vay lên từ 12%-14%.

Trong khi đó, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp) cũng cho rằng thời điểm thị trường bất động sản sôi động trước đây, doanh nghiệp khó tiếp cận vốn tín dụng nên chấp nhận vay với lãi suất cao để triển khai dự án. Đây là một trong các lý do đẩy giá nhà tăng cao.

Liên quan đến các vấn đề tín dụng bất động sản, Thống đốc cho biết vốn cho bất động sản đòi hỏi giá trị lớn, thời hạn dài nên phải được huy động từ nhiều kênh, tín dụng chỉ là một trong các kênh huy động vốn của doanh nghiệp.

Theo quy định hiện hành, các tổ chức tín dụng được tự ra quyết định cấp tín dụng cho khách hàng cũng như tự thỏa thuận với khách hàng về lãi suất, kỳ hạn vay. Tuy nhiên, khác với các doanh nghiệp thông thường khác, khi cho vay, các tổ chức tín dụng ngoài mục tiêu lợi nhuận còn phải đáp ứng các tỷ lệ an toàn vốn, đảm bảo khả năng thu hồi vốn, khả năng chi trả cho người gửi tiền. Việc này không chỉ nhằm đảm bảo an toàn của tổ chức tín dụng đó mà còn để đảm bảo an toàn hệ thống và cả nền kinh tế.

“Chính vì vậy, có những dự án bất động sản khả thi, có khả năng trả nợ nhưng ngân hàng vẫn phải từ chối cho vay nếu không phù hợp với khả năng cân đối vốn của ngân hàng. Hiện nay, hệ thống ngân hàng chủ yếu huy động vốn ngắn hạn trong khi nhu cầu thị trường bất động sản chủ yếu lại là vay dài hạn,” Thống đốc cho biết.

Dù vậy, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho rằng thời gian qua, tín dụng bất động sản vẫn tăng nhanh, tăng cao hơn mức tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế. Hiện dư nợ tín dụng bất động sản vào khoảng 3,5 triệu tỷ đồng, chiếm trên 35% tổng dư nợ tín dụng.

Cũng liên quan đến phản ánh doanh nghiệp bất động sản khó tiếp cận tín dụng, Thống đốc cho biết thêm ở một số thời điểm, hệ thống ngân hàng sẽ phải ưu tiên mục tiêu cấp bách hơn nhằm đảm bảo an toàn hệ thống.

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, nửa cuối năm 2022, việc tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp rất khó khăn, ngay cả khi có tài sản đảm bảo. Về vấn đề này, Thống đốc giải thích thêm: Sự cố rút tiền hàng loạt tại Ngân hàng SCB vào đầu tháng 10/2022 là chưa có tiền lệ, ảnh hưởng đến thanh khoản toàn hệ thống, đến niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài, tỷ giá có thời điểm tăng tới 10%.

Cho vay bất động sản luôn tiềm ẩn rủi ro mất an toàn kỳ. (Ảnh: Vietnam+)

Trong bối cảnh đó, Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu cao nhất là đảm bảo an toàn hệ thống, đảm bảo khả năng chi trả cho người gửi tiền. Vì vậy, khi đó, Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất tiền gửi và không nới room tín dụng nhằm đảm bảo thanh khoản hệ thống. Tại thời điểm đó, bản thân các tổ chức tín dụng cũng rất thận trọng cho vay, nhất là cho vay các dự án bất động sản có kỳ hạn dài, nhằm đảo bảo thanh khoản của mình. Đến khi thanh khoản cơ bản ổn định, cuối tháng 12/2022, Ngân hàng Nhà nước mới nới room tín dụng.

Với phản ánh của một số đại biểu về lãi suất cho vay còn cao, Thống đốc cho rằng người vay bao giờ cũng mong muốn lãi suất thấp là điều dễ hiểu. Dù vậy, Thống đốc mong Quốc hội nhìn nhận sự cố gắng của ngành ngân hàng. Những năm qua, lãi suất trên thế giới liên tục tăng cao nhưng mặt bằng lãi suất của Việt Nam vẫn được kiểm soát, lãi suất cho vay hiện đã giảm 3% so với đầu năm 2022. Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng đã thực hiện miễn giảm lãi, phí hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn vì COVID-19 lên tới hơn 60.000 tỷ đồng.

So với mặt bằng lãi suất chung, lãi suất cho vay bất động sản thường cao hơn do kỳ hạn dài, bản thân các tổ chức tín dụng cũng phải trả lãi suất huy động cao hơn cho các kỳ hạn dài.

Hy vọng nhu cầu vay mua nhà ở xã hội sẽ tăng trong thời gian tới

Cũng tại phiên họp, theo các đại biểu Quốc hội, việc tiếp cận vốn của các dự án nhà ở xã hội cũng là thách thức lớn.

Đại biểu Lê Thị Thanh Lam (Đoàn Quốc hội tỉnh Hậu Giang) nêu thủ tục vay vốn còn nhiều bất cập, thủ tục rườm rà, nhiều đối tượng có nhu cầu mua nhà nhưng chưa đủ điều kiện để được hỗ trợ vay vốn.

Thống đốc cho biết việc thực hiện mục tiêu phát triển nhà ở xã hội phụ thuộc nhiều vào nguồn lực nhà nước. (Ảnh: Vietnam+)

Vì thế, đại biểu kiến nghị cần bảo đảm bố trí đủ nguồn vốn ngân sách nhà nước để thực hiện chính sách phát triển nhà ở xã hội; trong đó đề nghị Ngân hàng Nhà nước có chủ trương cải cách các thủ tục hành chính xét duyệt, cho vay mua nhà ở xã hội.

Báo cáo của Đoàn giám sát cũng nêu việc xét duyệt đối tượng và xác minh điều kiện được hưởng chính sách về nhà ở xã hội (chưa có nhà ở, phải cư trú trên địa bàn tỉnh có nhà ở xã hội, thu nhập không thuộc diện phải nộp thuế thu nhập cá nhân còn nhiều thủ tục phức tạp, rườm rà); một số quy định không rõ ràng, thiếu cụ thể, công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành địa phương thiếu chặt chẽ nên gây khó khăn khi triển khai, thời gian thực hiện kéo dài.

Đối với vấn đề này, Thống đốc cho hay việc thực hiện mục tiêu phát triển nhà ở xã hội phụ thuộc nhiều vào nguồn lực nhà nước.

Hiện nay, Ngân hàng chính sách xã hội đang triển khai 4 chương trình tín dụng chính sách nhà ở xã hội song ngân hàng này chỉ là đơn vị giải ngân, đối tượng vay do quy định của các bộ, ngành đề ra.

Trong bối cảnh nguồn vốn ngân sách dành cho nhà ở xã hội còn hạn chế, thời gian qua, ngành ngân hàng đã “ủng hộ” phát triển nhà ở xã hội bằng gói tín dụng 120.000 tỷ đồng (hiện đã tăng lên 145.000 tỷ đồng). Đây là nguồn vốn do các tổ chức tín dụng tự huy động được từ người dân, sử dụng chính nguồn lực của mình để giảm lãi suất cho người vay.

“Giải ngân gói tín dụng này vẫn còn hạn chế, hiện mới được 1.700 tỷ đồng do đang ở giai đầu. Hơn nữa, sau COVID-19, nguồn thu của người có thu nhập thấp ngày càng khó khăn nên cầu vốn chưa cao. Hy vọng thời gian tới, khi khó khăn giảm bớt, cầu vốn của người dân sẽ tăng lên,” Thống đốc Ngân hàng Nhà nước kỳ vọng.

Về những vướng mắc liên quan đến tiếp cận vốn qua Ngân hàng Chính sách xã hội, Thống đốc cho hay Ngân hàng Chính sách xã hội chỉ thực hiện giải ngân, việc xác định đối tượng đủ điều kiện do các bộ, ngành xác định, nên các đơn vị sẽ có rà soát theo đề nghị của các đại biểu Quốc hội và đoàn giám sát./.

(Vietnam+)

Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/thong-doc-giai-trinh-kien-nghi-dai-bieu-ve-du-an-bat-dong-san-kho-tiep-can-von-post987947.vnp

Bài trướcHoREA: Tổ công tác phải thực sự ‘tròn vai’ gỡ khó bất động sản mới kéo giảm được giá nhà
Bài tiếp theoThống đốc: Các tổ chức tín dụng phải thận trọng khi cho vay mới với các dự án bất động sản có kỳ hạn dài

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây