Trình tự, thủ tục còn phức tạp, quy định chồng chéo, thiếu thống nhất dẫn đến ách tắc trong triển khai dự án. Cùng với đó, hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất, chậm định giá đất… vẫn còn nhiều bất cập. Đây là những vướng mắc chính khiến nhiều dự án bất động sản bị đình trệ.
Sáng 28/10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về Báo cáo của Đoàn Giám sát và Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023”.
Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn và các đại biểu Quốc hội tham dự Phiên họp. Ảnh: NHƯ Ý
Phổ biến tình trạng dự án chậm tiến độ
Trình bày Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh – Phó Trưởng đoàn giám sát của Quốc hội – cho biết: Giai đoạn 2015-2023, thị trường bất động sản (BĐS) đã có những bước phát triển về quy mô, loại hình, số lượng, hình thức huy động vốn và các chủ thể tham gia; tạo ra khối lượng lớn cơ sở vật chất cho xã hội, giúp cho các ngành sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phát triển và nâng cao điều kiện sống cho các tầng lớp nhân dân, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế – xã hội, tăng trưởng kinh tế của đất nước.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, thị trường BĐS và NOXH còn nhiều bất cập, phát triển chưa bền vững, mất cân đối cung – cầu. Giá BĐS còn cao so với thu nhập của đa số người dân, nhiều khu đô thị bỏ hoang. Quản lý chung cư mini còn nhiều bất cập; chưa có phương án xử lý, giải quyết hiệu quả các khu chung cư cũ không bảo đảm điều kiện sống cho người dân; nhiều dự án gặp vướng mắc, chậm được triển khai. Các loại hình BĐS mới gặp nhiều vướng mắc pháp lý, thiếu quy định rõ ràng, cụ thể điều chỉnh.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo kết quả giám sát. Ảnh: VPQH
Theo Báo cáo của Chính phủ, căn cứ kết quả làm việc của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án BĐS cho các địa phương, doanh nghiệp theo Quyết định số 1435/QĐ-TTg ngày 17/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ với các địa phương, Hà Nội có 404 dự án gặp vướng mắc (đã xử lý 158 dự án, tiếp tục xử lý đối với 246 dự án); TP. Hồ Chí Minh có 220 dự án vướng mắc (72 dự án do Tổ công tác yêu cầu, 148 dự án do Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh tổng hợp kiến nghị; đã xử lý 77 dự án, tiếp tục xử lý đối với 143 dự án).
Còn theo báo cáo của UBND TP. Hà Nội, trong khoảng 2 – 3 năm trở lại, thực trạng phát triển các dự án BĐS tại Hà Nội rất chậm, gần như không có dự án mới được phê duyệt. Sản phẩm nhà ở mới được chào bán chủ yếu là các dự án đã được phê duyệt từ giai đoạn trước. Nhiều dự án đã được khởi công ở giai đoạn trước cũng chậm triển khai và phải điều chỉnh tiến độ; nhiều dự án có thời gian triển khai thực hiện lên đến 10-20 năm do vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư, đất đai, quy hoạch.
Theo Báo cáo giám sát, việc triển khai đầu tư dự án BĐS và NOXH ngày càng được chuẩn hóa song trình tự, thủ tục còn phức tạp, nhà đầu tư phải thực hiện nhiều bước quy trình theo quy định của nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau, thiếu liên thông, một số quy định chồng chéo, thiếu thống nhất dẫn đến ách tắc trong triển khai dự án.
Công tác cải cách hành chính còn nhiều bất cập; việc giải quyết hồ sơ còn chậm, thời gian thường dài hơn so với thời hạn pháp luật quy định; nhiều thủ tục không xác định được thời hạn. Việc thẩm định dự án, điều chỉnh dự án, điều chỉnh thiết kế xây dựng trên cơ sở quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt còn phức tạp.
“Việc chậm tiến độ dự án trở thành tình trạng phổ biến, gây ảnh hưởng lớn đến phương án kinh doanh của chủ đầu tư và những khách hàng đã nộp tiền” – ông Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh.
Hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất có biểu hiện bất thường
Kết quả giám sát cũng cho thấy, khả năng tiếp cận đất đai còn khó khăn. Nhiều địa phương còn lúng túng trong việc tổ chức đấu thầu dự án có sử dụng đất, tính giá sàn nộp ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về đấu thầu, về xác định thời điểm giao đất để định giá đất.
Quang cảnh Phiên họp. Ảnh: VPQH
Hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất có biểu hiện bất thường, tạo mặt bằng giá đất cao; quy trình đấu giá còn phức tạp. Việc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án nhà ở thương mại gặp vướng mắc do sự thay đổi của quy định pháp luật. Một số dự án không thể thỏa thuận được hết diện tích đất nên không thể triển khai được dự án hoặc hoàn thành dự án.
Bên cạnh đó, các địa phương còn lúng túng trong việc giao, cho thuê đất có nguồn gốc do cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, nông lâm trường; sắp xếp cơ sở nhà đất của cơ quan nhà nước; thực hiện hình thức xây dựng – chuyển giao (dự án BT); việc sử dụng quỹ đất để thanh toán theo hợp đồng BT đã ký kết.
Tình trạng chậm định giá đất diễn ra ở nhiều địa phương, là vướng mắc chính dẫn đến nhiều dự án BĐS bị đình trệ. Việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất còn vướng mắc, đặc biệt đối với sản phẩm BĐS mới – ông Vũ Hồng Thanh báo cáo.
Ngoài ra, một số dự án BĐS còn nhiều khó khăn do quá trình triển khai thực hiện kéo dài có nguyên nhân từ việc pháp luật qua các thời kỳ thay đổi, dẫn đến vướng mắc rất khó tháo gỡ.
Tại nhiều địa phương, việc thực hiện rà soát pháp lý đối với các dự án BĐS theo các kết luận thanh tra, kiểm toán kéo dài, chưa có kết quả, dẫn đến chậm xử lý các thủ tục triển khai thực hiện dự án BĐS, gây thiệt hại về kinh tế cho doanh nghiệp, khách hàng đã mua BĐS.
Liên quan đến NOXH, kết quả giám sát cho thấy, cơ bản các địa phương đã quan tâm bố trí quỹ đất để xây dựng NOXH khi lập, phê duyệt các quy hoạch và khi chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án nhà ở thương mại phải bố trí quỹ đất 20% làm NOXH. Tuy nhiên, còn nhiều địa phương chưa bố trí quỹ đất độc lập để phát triển NOXH; việc phát triển NOXH chủ yếu phụ thuộc vào quỹ đất 20% trong dự án nhà ở thương mại, nhưng việc triển khai còn nhiều bất cập, vướng mắc.
Trên cơ sở giám sát, Đoàn giám sát đưa ra nhiều kiến nghị nhằm khắc phục hạn chế, khó khăn, vướng mắc đã được nhận diện. Trong đó, Đoàn giám sát đề nghị Chính phủ có cơ chế giải quyết phù hợp, xử lý dứt điểm đối với các dự án BĐS gặp khó khăn, vướng mắc pháp lý, đình trệ do quá trình triển khai thực hiện kéo dài và pháp luật qua các thời kỳ có nhiều thay đổi, bảo đảm quyền lợi chính đáng của người dân, doanh nghiệp, vì lợi ích chung, tổng thể, giải phóng nguồn lực cho thị trường BĐS, tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội; không hình sự hóa các quan hệ kinh tế – dân sự; hướng dẫn rõ nội hàm “không hợp thức hóa các vi phạm” để nâng cao hiệu quả công tác xây dựng và thực thi pháp luật./.
Đ. KHOA
Nguồn: http://baokiemtoan.vn/thu-tuc-phuc-tap-nhieu-du-an-bat-dong-san-gap-vuong-mac-35847.html