Chiều 28/10, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về Báo cáo của Đoàn Giám sát và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề ‘việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023’.
Sẽ rà soát toàn bộ quỹ nhà tái định cư để chuyển sang nhà ở xã hội
Phát biểu giải trình tại phiên họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đánh giá cao và cảm ơn Quốc hội đã lựa chọn chuyên đề giám sát tối cao về việc thực hiện chính sách, pháp luật về bất động sản, nhà ở xã hội vào thời điểm đúng đắn khi chúng ta đang tiến hành tổng kết các luật liên quan đến đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà giải trình, làm rõ các ý kiến đại biểu Quốc hội nêu
Trong quá trình giám sát này, có nhiều vấn đề, tồn tại, yếu kém cùng các nguyên nhân, giải pháp đã được Chính phủ, Quốc hội tiếp thu, qua phát biểu của các Bộ trưởng, trưởng ngành, có thể thấy phần lớn các vấn đề này đã được giải quyết trong việc hoàn thiện các luật vừa qua. Hiện nay, chỉ còn có các địa phương, bộ ngành tổ chức thực hiện luật chưa sát, chưa nghiêm với tinh thần của Quốc hội, ban hành chưa đầy đủ các quy định, văn bản hướng dẫn.
Đồng tình với các ý kiến đã nêu về những tồn tại trong quản lý thị trường bất động sản, nhà ở xã hội, có tình trạng mất cân đối cung cầu. Số lượng nhà ở xã hội còn thấp, có nơi đã xây dựng nhưng chưa đưa vào sử dụng, nhiều nhà ở tái định cư đang để lãng phí, nhà ở thương mại đang được tập trung đầu tư nhiều hơn.
Phó Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, theo Hiến pháp, không chỉ có đối tượng chính sách, mà toàn bộ người dân có quyền sử dụng nhà ở; công chức, viên chức, người lao động, lực lượng vũ trang… đều cần được thụ hưởng chính sách, nên 1 triệu căn nhà ở xã hội vẫn là một phần nhỏ bé. Việc hoàn thiện các khâu điều tra, đánh giá nhu cầu đối với nhà ở xã hội, mở rộng các đối tượng thụ hưởng để mọi người dân đều tiếp cận được nhà ở xã hội là việc cần thiết. Cùng với đó, cần triển khai cụ thể ở từng địa phương công tác liên quan đến chiến lược, quy hoạch nhà ở, trong đó có nhà ở xã hội, nhà ở đô thị, nhà ở thương mại.
Phó Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, Chính phủ sẽ mở rộng, tạo quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội, rà soát toàn bộ quỹ nhà tái định cư để chuyển sang nhà ở xã hội, đẩy mạnh cải cách, rút gọn, tinh giản quy trình thủ tục hành chính, mở rộng các đối tượng thụ hưởng, tăng khả năng tiếp cận nhà ở xã hội, sử dụng phối hợp nhiều biện pháp để giữ giá nhà ở xã hội ở mức hợp lý để đảm bảo nâng cao hiệu quả phát triển nhà ở xã hội trong thời gian tới.
Chính sách ưu đãi chưa thực sự khuyến khích nhà đầu tư tham gia đầu tư phát triển nhà ở xã hội
Làm rõ thêm một số vấn đề đại biểu nêu, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phát triển nhà ở xã hội trong thời gian qua còn nhiều tồn tại, bất cập, chưa đáp ứng nhu cầu, kỳ vọng của công nhân, người lao động và người thu nhập thấp.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị làm rõ thêm một số vấn đề đại biểu nêu
Nhiều vướng mắc liên quan đến quy định và thực thi pháp luật, vướng mắc liên quan đến quy hoạch đất đai, đầu tư, đấu thầu, xây dựng, tín dụng… liên quan đến thủ tục hành chính triển khai thực hiện dự án nhà ở xã hội. Chính sách ưu đãi chưa thực sự khuyến khích nhà đầu tư tham gia đầu tư phát triển nhà ở xã hội như báo cáo giám sát và ý kiến của các đại biểu Quốc hội phát biểu.
Thực hiện đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội giai đoạn 2021 – 2030, Bộ trưởng cho biết, từ năm 2021 đến nay, các địa phương đã quy hoạch 9.757 ha đất để xây dựng nhà ở xã hội; có 622 dự án nhà ở xã hội được triển khai với quy mô 565.177 căn, trong đó đã hoàn thành 79 dự án với quy mô 40.679 căn; đã khởi công xây dựng 131 dự án, với quy mô 111.687 căn và đã chấp thuận chủ trương đầu tư 412 dự án. Tuy nhiên, kết quả này chưa đáp ứng nhu cầu của công nhân, người lao động và người thu nhập thấp; nhiều địa phương chưa hoàn thành chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội.
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, tiếp thu ý kiến của Đoàn giám sát và các đại biểu Quốc hội, Bộ Xây dựng cùng với các bộ, ngành, địa phương sẽ tập trung thực hiện Chỉ thị 34 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển nhà ở xã hội trong tình hình mới; cũng như thực hiện cái nghị quyết giám sát của Quốc hội về chuyên đề này và các chương trình, đề án, kế hoạch chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về phát triển nhà ở xã hội.
Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác phát triển nhà ở xã hội, xác định phát triển nhà ở xã hội là quyết tâm chính trị, nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị, là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần ưu tiên trong phát triển kinh tế – xã hội của các địa phương; đưa chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội và hệ thống chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội 5 năm, hàng năm của từng địa phương.
Phát triển đa dạng các loại hình nhà ở xã hội để có thể mua, thuê nhà lưu trú, tăng tỷ lệ nhà ở xã hội cho thuê. Ban hành đầy đủ các văn bản hướng dẫn, các quy định pháp luật vừa được thông qua liên quan đến phát triển nhà ở xã hội; đồng thời tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan đến phát triển nhà ở xã hội; thúc đẩy triển khai các dự án nhà ở xã hội tại các địa phương…
Có dấu hiệu đầu cơ, thổi giá
Báo cáo về tình hình triển khai thi hành Luật đất đai năm 2024, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy cho biết, Chính phủ, các bộ ngành đã tập trung mọi nguồn lực để xây dựng các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Đất đai kịp thời ban hành và có hiệu lực đồng thời với Luật gồm: 10 Nghị định của Chính phủ, 01 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 07 thông tư của các bộ. Các địa phương cũng đã nỗ lực để ban hành các quy định chi tiết theo thẩm quyền do Luật giao (20 nội dung).
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy làm rõ thêm một số vấn đề đại biểu nêu
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng nhấn mạnh, còn nhiều địa phương chưa ban hành đầy đủ các văn bản thuộc thẩm quyền đã ảnh hưởng nhất định đến hiệu quả của việc triển khai thi hành Luật, ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ của người dân, doanh nghiệp là người sử dụng đất.
Về công tác đấu giá quyền sử dụng đất, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy cho biết tại một số địa phương, tình trạng chênh lệch rất lớn giữa giá khởi điểm và giá trúng đấu giá, có dấu hiệu đầu cơ, thổi giá.
Nguyên nhân bao gồm: Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chưa được công khai, minh bạch. Một số đối tượng tham gia đấu giá chủ yếu vì mục đích đầu cơ, không phải nhu cầu thực. Bên cạnh đó, một số địa phương chưa chủ động tạo quỹ đất để đấu giá; Giá đất trong bảng giá đất chưa được điều chỉnh kịp thời.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết Bộ cũng đã đề xuất các giải pháp bao gồm: Công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; Điều chỉnh hợp lý giá đất trong bảng giá đất; Rút ngắn thời gian nộp tiền thanh toán trúng đấu giá. Đồng thời công khai các trường hợp trúng giá cao nhưng bỏ cọc; Tăng cường biện pháp bảo đảm nguồn cung bất động sản nhà, đất ở có giá cả hợp lý. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Thị trường bất động sản đang tồn tại sự mất cân đối
Về tiếp cận tín dụng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh, vốn đầu tư vào bất động sản cần được huy động từ nhiều kênh. Các tổ chức tín dụng thỏa thuận với khách hàng về thời hạn, lãi suất cũng như đảm bảo yêu cầu an toàn thu hồi vốn…
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng làm rõ thêm một số vấn đề đại biểu nêu
Trên thực tế, tín dụng vào lĩnh vực bất động sản cũng tăng rất nhanh và trong thời gian vừa qua, tăng trưởng tín dụng của bất động sản cao hơn so với mức tăng trưởng chung của nền kinh tế.
Các tổ chức tín dụng phải rất thận trọng khi cho vay mới và đặc biệt là đối với các dự án bất động sản có kỳ hạn dài. Tuy nhiên, trong bối cảnh lãi suất quốc tế tăng rất cao nhưng mặt bằng lãi suất của Việt Nam lại kiểm soát được và lãi suất cho vay mới giảm khoảng 3% từ đầu năm 2022 đến nay. Khi doanh nghiệp và người dân khó khăn thì các tổ chức tín dụng cũng dành chính nguồn lực tài chính của mình để miễn, giảm lãi suất cũng như là miễn, giảm thuế cho doanh nghiệp và người dân.
Về tín dụng nhà ở xã hội, trong Báo cáo giám sát đã chỉ ra thị trường bất động sản đang tồn tại sự mất cân đối và đặc biệt là phân khúc nhà ở xã hội vẫn còn hạn chế. Trên thực tế, Chính phủ đang rất quyết liệt chỉ đạo các cơ quan, Bộ, ngành tập trung các giải pháp để mà phát triển nhà ở xã hội và kể cả việc kêu gọi xã hội hóa để mà xây dựng những xóa nhà tạm, dột nát. Tuy nhiên, để mà thực hiện được mục tiêu phát triển nhà ở xã hội thì còn phụ thuộc rất nhiều vào nguồn lực tài chính của Nhà nước./.
Thế Công – Xuân Trường
Nguồn: https://toquoc.vn/4-thanh-vien-chinh-phu-cung-giai-trinh-ve-quan-ly-thi-truong-bat-dong-san-va-phat-trien-nha-o-xa-hoi-20241028173341217.htm