Trang chủ Tin Tức Đa số người dân vẫn khó mua nhà ở

Đa số người dân vẫn khó mua nhà ở

9
0

TP Hà Nội và TP HCM không còn phân khúc căn hộ chung cư có giá phù hợp với thu nhập của đa số người dân

Hôm nay, 28-10, dự kiến Quốc hội (QH) nghe báo cáo của Đoàn giám sát của QH về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản (BĐS) và phát triển nhà ở xã hội (NƠXH) giai đoạn 2015-2023.

Giá nhà tăng mất kiểm soát

Theo báo cáo của Đoàn giám sát của QH, giai đoạn 2015-2023, khoảng 3.360 dự án phát triển nhà ở thương mại và khu đô thị được triển khai thực hiện với quy mô sử dụng đất khoảng 11.190 ha; 413 KCN được thành lập với tổng diện tích đất công nghiệp khoảng 87.700 ha.

Giai đoạn 2015-2022, thị trường BĐS phát triển sôi động với nhiều loại hình, nguồn cung, hình thành nhiều đô thị mới. Đến năm 2021, ước tính cả nước đã triển khai khoảng 5.000 dự án, tổng vốn đầu tư khoảng 4,5 triệu tỉ đồng. Tuy nhiên, một phần trong đó là dự án được đầu tư từ giai đoạn trước, cơ cấu sản phẩm chưa hợp lý, mất cân đối cung – cầu, ít sản phẩm phù hợp với thu nhập của đại bộ phận người dân, một số dự án gặp vướng mắc về pháp lý.

Giai đoạn 2022-2023, thị trường BĐS suy giảm; những tồn tại, hạn chế của giai đoạn trước được bộc lộ dưới áp lực của dịch COVID-19. Nguồn cung hạn chế hơn rất nhiều so với giai đoạn trước, giá BĐS tăng vọt so với mức tăng thu nhập của đa số người dân. “Tại Hà Nội và TP HCM đã không còn phân khúc căn hộ chung cư có giá phù hợp với thu nhập của đa số người dân” – báo cáo giám sát nêu.

Thị trường bất động sản đang mất cân đối cung – cầu, phân khúc nhà ở có giá phù hợp với người thu nhập trung bình gần như không có. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Về tình hình phát triển NƠXH, theo báo cáo của Chính phủ, từ năm 2015 đến nay, cả nước có khoảng 800 dự án đã được triển khai, quy mô 567.042 căn. Trong đó, 373 dự án đã hoàn thành với 193.920 căn, 129 dự án đã khởi công xây dựng và 298 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư.

Đoàn giám sát chỉ rõ tình trạng dư thừa nhà ở cao cấp, diện tích lớn, giá bán cao và thiếu sản phẩm NƠXH, nhà ở giá thấp phù hợp với nhu cầu của đại bộ phận người dân. Giá NƠXH bình quân còn quá cao so với thu nhập của đối tượng thụ hưởng. Nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách cho các chương trình tín dụng ưu đãi NƠXH còn thấp và quy trình, thủ tục còn phức tạp…

Đáng chú ý, việc triển khai gói tín dụng 120.000 tỉ đồng cho vay đối với NƠXH, nhà ở công nhân… chậm được giải ngân, lãi suất còn cao, chưa phát huy tác dụng; vướng mắc trong việc xác minh về điều kiện nhà ở và thu nhập để làm hồ sơ vay mua NƠXH…

Mâu thuẫn lớn

Trước thực trạng trên, Đoàn giám sát của QH kiến nghị nhanh chóng có giải pháp cụ thể để triển khai hiệu quả Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ NƠXH cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân KCN giai đoạn 2021-2030 bảo đảm tiến độ, chất lượng và sự phù hợp.

Theo Đoàn giám sát, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục nghiên cứu, tháo gỡ vướng mắc, tồn tại, hạn chế; có giải pháp hướng tới phát triển thị trường BĐS an toàn, lành mạnh, bền vững; đa dạng hóa sản phẩm, hài hòa cung – cầu, tăng nguồn cung BĐS phù hợp với thu nhập của người dân.

Về lâu dài, Đoàn giám sát kiến nghị sớm đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các luật về thuế; có quy định về mức thuế cao hơn đối với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhà ở, chậm sử dụng đất, bỏ đất hoang.

Đại biểu QH Trần Anh Tuấn (TP HCM) chỉ rõ dù thị trường BĐS đóng băng nhưng giá không giảm, thậm chí tăng khiến người lao động bình thường, người nghèo khó có khả năng tiếp cận. Đây là mâu thuẫn rất lớn, cần tập trung tháo gỡ, giải quyết.

“Cần tăng nguồn cung BĐS, NƠXH để có giá hợp lý. Muốn vậy, cần có chính sách hỗ trợ nhà đầu tư tiếp cận vốn thuận lợi cùng các chính sách về thuế thu nhập doanh nghiệp (DN), tiền sử dụng đất” – ông Tuấn đề xuất.

Cũng lo lắng giá nhà, đất tăng quá cao khiến người lao động khó thể mua được nhà để ở, đại biểu QH Trần Hoàng Ngân (TP HCM) đề nghị hoàn thiện thể chế để kiểm soát đầu cơ, lũng đoạn thị trường.

Theo đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang), thị trường BĐS đang có “những bất bình thường”, giá bị đẩy lên nhiều so với giá trị thực tế. “Phải đặt mục tiêu phát triển thị trường BĐS lành mạnh để đất đai, nhà ở, các công trình được khai thác, sử dụng một cách hiệu quả nhất, tạo nên giá trị thực cho nền kinh tế” – ông Lâm đề nghị.

Phát biểu tại phiên thảo luận tổ của QH về kinh tế – xã hội chiều 26-10, Chủ tịch QH Trần Thanh Mẫn chỉ rõ còn nhiều vấn đề liên quan thị trường BĐS, phát triển NƠXH cần khắc phục. Chẳng hạn, giá nhà ở bình quân hiện bằng 25 lần thu nhập bình quân đầu người của người dân khu vực đô thị; thị trường gần như không có dự án căn hộ giá dưới 25 triệu đồng/m2…

“Cần ngăn chặn xu hướng suy giảm của thị trường BĐS, kết hợp với kiểm soát tốt số lượng nhà ở được xây dựng mới” – Chủ tịch QH nhấn mạnh.

Địa phương vào cuộc

Theo chương trình phát triển nhà ở TP HCM giai đoạn 2021-2030, thành phố dự kiến phát triển khoảng 69.700 – 93.000 căn NƠXH, trong đó giai đoạn 2021-2025 dự kiến 26.200 – 35.000 căn.

Tuy nhiên, Sở Xây dựng cho biết từ năm 2021 đến nay, TP HCM đưa vào sử dụng 5 dự án NƠXH và 1 dự án nhà lưu trú công nhân với quy mô 2.745 căn; đang thi công 4 dự án với gần 3.000 căn hộ. Kết quả thực hiện chỉ tiêu phát triển NƠXH vẫn còn hạn chế, chưa đạt được kết quả như mong muốn. Các dự án đã hoàn thành, đang triển khai thi công hầu hết đều đã thực hiện một phần hoặc toàn bộ thủ tục đầu tư ở giai đoạn 2016-2020.

Sở Xây dựng cho hay Thành ủy, UBND TP HCM sẽ tiếp tục chỉ đạo chấn chỉnh các sở, ngành, địa phương trong thực hiện quy chế phối hợp và quy định trong thực hiện chức năng nhiệm vụ thực hiện các thủ tục hành chính, giải quyết thủ tục dự án. Trong đó, ưu tiên phối hợp chặt chẽ để hoàn tất thủ tục đầu tư về công tác quy hoạch, chấp thuận chủ trương đầu tư với 27 dự án (khoảng 32.000 căn) đang thực hiện thủ tục đầu tư. Mục tiêu là sớm đưa các dự án ưu tiên vào khởi công, xây dựng từ nay đến hết năm 2025.

Về giải pháp, có thể bố trí vốn đầu tư công để đầu tư xây dựng NƠXH thuộc sở hữu nhà nước để các đối tượng được hưởng chính sách về NƠXH thuê, thuê mua theo quy định. Hỗ trợ lãi suất đối với các dự án đầu tư NƠXH, nhà lưu trú công nhân được Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP HCM cho vay theo Nghị quyết 09/2023 của HĐND TP HCM.

Tại Bà Rịa – Vũng Tàu, UBND TP Vũng Tàu đã kiến nghị UBND tỉnh phê duyệt, giao Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng TP lập thủ tục để bàn giao căn hộ tại Dự án chung cư tái định cư phường Thắng Tam cho các hộ dân bị giải tỏa trên địa bàn. Dự án này được Bộ Xây dựng kiểm tra, nghiệm thu hoàn thành công trình vào tháng 3-2022 nhưng đến nay vẫn chưa được đưa vào sử dụng vì nhiều vướng mắc pháp lý.

Các dự án NƠXH của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng gặp vướng mắc về pháp lý, dẫn đến chậm tiến độ. Theo kế hoạch, giai đoạn 2023-2025, toàn tỉnh dự kiến triển khai 17 dự án với quy mô 12.798 căn NƠXH song 6 dự án đã phải thay đổi tiến độ.

Với Bình Dương, ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết nguyên nhân khiến nhiều dự án BĐS thương mại và NƠXH bị tắc là do thủ tục pháp lý còn chồng chéo, vướng mắc; quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị còn vênh nhau. Nhiều dự án vướng quy định về phương pháp xác định giá thị trường; khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng, trái phiếu, quỹ đầu tư…

UBND tỉnh Bình Dương đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương khẩn trương rà soát các dự án nhà ở thương mại, NƠXH trên địa bàn; làm việc trực tiếp với các DN để kịp thời xử lý đối với từng dự án, đề xuất cụ thể giải pháp… Các DN chủ động tái cơ cấu phân khúc sản phẩm, giá cả, thời hạn và phương thức thanh toán, tạo thuận lợi cho khách hàng, người dân, nhất là những đối tượng có nhu cầu thật sự.

NHÓM PHÓNG VIÊN

Nguồn: https://nld.com.vn/da-so-nguoi-dan-van-kho-mua-nha-o-196241027214456031.htm

Bài trướcHà Nội, TPHCM không còn chung cư phù hợp với thu nhập của dân
Bài tiếp theoHôm nay, Quốc hội giám sát tối cao về thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây