Thời gian qua, UBND tỉnh Quảng Nam đã tổ chức nhiều cuộc đối thoại và đưa ra hàng loạt biện pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp bất động sản. Tuy nhiên, các dự án vẫn chuyển mình chậm, nhiều chủ đầu tư vẫn đang chờ đợi những tín hiệu mang tính đột phá hơn.
Nhiều khó khăn liên quan đến giải phóng mặt bằng
Ghi nhận thực tế của PV báo Kinh tế & Đô thị, các dự án bất động sản (BĐS) trên địa bàn tỉnh Quảng Nam thời gian qua đã có nhiều chuyển biến tích cực trong việc thúc đẩy hoàn thiện thủ tục pháp lý. Tuy nhiên, phần lớn các chủ đầu tư vẫn gặp khó khăn và đưa ra những kiến nghị liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) và thủ tục hành chính.
Quảng Nam đang gặp nhiều khó khăn trong việc giải quyết các vấn đề tồn đọng của các dự án BĐS. Đây là một bài toán dài hạn, đòi hỏi sự vào cuộc của các ban, ngành và chính quyền địa phương.
Đây được xem là vấn đề then chốt, giúp đưa lĩnh vực trọng điểm vượt qua giai đoạn khó khăn.
Ghi nhận tại thị xã Điện Bàn, nơi từng là tâm điểm của thị trường BĐS, các dự án hầu như rơi vào trạng thái “án binh bất động.” Nhiều khu vực dự án bị bỏ hoang, cỏ mọc um tùm, người dân tận dụng làm nơi thả bò; các công trình tiện ích xuống cấp; hệ thống giao thông, cây xanh bị hư hỏng. Sự chậm trễ trong việc triển khai đã khiến thị trường BĐS tại đây ảm đạm, ít dự án được mở bán.
Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Nam và thị xã Điện Bàn đã nhiều lần kiến nghị lên UBND tỉnh, đặc biệt về quy định các dự án nhà ở phải GPMB 100% diện tích trước khi được cấp đất. Thực tế, các dự án thường phải bố trí tái định cư tại chỗ, và nhiều người dân chỉ đồng ý giao đất sau khi được bố trí nơi ở mới. Quy định này đang làm chậm tiến độ của các dự án, gây áp lực cho doanh nghiệp.
Phần lớn các dự án BĐS đều “đứng bánh” trong thời gian dài, thậm chí phát sinh tranh chấp với khách hàng.
Chưa kể, tỉnh đang dừng thực hiện việc chuyển nhượng và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho khách hàng nhận chuyển nhượng các nền đất đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại một số dự án chưa hoàn thành 100% hạ tầng, bàn giao đưa vào sử dụng. Việc này ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của khách hàng, gây ra rất nhiều khiếu nại, khiếu kiện, tranh chấp.
Ngoài GPMB hay thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, các dự án BĐS còn vướng việc xác định giá đất; tiếp nhận và bàn giao hạ tầng; nguồn vật liệu đất đắp khan hiếm, giá vật liệu xây dựng tăng cao; doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng.
Doanh nghiệp không tích cực phối hợp sẽ xem xét thu hồi dự án
Trước những khó khăn của doanh nghiệp, chủ đầu tư dự án BĐS, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Nam Hưng đã yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm chỉ đạo, rà soát, đánh giá kết quả thực hiện công tác bồi thường, GPMB, tái định cư đến thời điểm hiện nay.
Lãnh đạo địa phương cần xây dựng kế hoạch, tiến độ chi tiết để thực hiện đối với từng dự án. Trên cơ sở đó làm việc với từng chủ đầu tư dự án để phối hợp thực hiện, nhất là đảm bảo kịp thời chi phí phục vụ bồi thường. Trường hợp doanh nghiệp không tích cực phối hợp, không chuyển đủ nguồn kinh phí để chi trả bồi thường theo các phương án đã được phê duyệt sau khi đơn vị thực hiện công tác bồi thường thông báo lần thứ 3 thì tổng hợp, đề xuất gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư kiểm tra, tham mưu UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo thu hồi dự án, không để kéo dài.
Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục giải quyết việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các chủ đầu tư dự án và giải quyết thủ tục tách thửa, đăng ký biến động, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người nhận chuyển nhượng của 14 dự án nhà ở.
Khẩn trương tham mưu sửa đổi, bổ sung Quy định về giá đất và bảng giá đất thời kỳ 2020-2024 trên địa bàn tỉnh và tham mưu quy định các yếu tố, tỷ lệ điều chỉnh để xác định giá đất cụ thể theo chỉ đạo của UBND tỉnh.
Bên cạnh chính quyền, chủ đầu tư các dự án cũng cần phải chủ động và cam kết trong việc triển khai thủ tục pháp lý, đầu tư hạ tầng cho đồng bộ.
Song song với đó, UBND tỉnh đã thành lập 5 tổ công tác để kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội năm 2024 do Chủ tịch và các Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Tổ trưởng để kiểm tra, đôn đốc tại các đơn vị, địa phương.
Ông Trần Quốc Bảo – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Nam đánh giá cao những chia sẻ, tháo gỡ của lãnh đạo UBND tỉnh trong thời gian qua. Tín hiệu tích cực nhất là hàng chục dự án BĐS đã được tỉnh gia hạn tiến độ thực hiện; làm việc trực tiếp giữa chủ đầu tư, chính quyền địa phương để tháo gỡ về GPMB; đôn đốc và tìm giải pháp giải quyết các vấn đề về pháp lý dự án; ưu tiên giải quyết những tranh chấp giữa doanh nghiệp và khách hàng.
Cũng theo ông Bảo, dù lãnh đạo các cấp đã thực hiện nhiều biện pháp, chỉ đạo quyết liệt nhưng phần lớn các dự án đã kéo dài thời gian triển khai, vướng mắc chồng chéo nên không thể một sớm một chiều có thể giải quyết. Trong đó công tác GPMB, rút ngắn thủ tục hành chính và quy định về giá đất cần ưu tiên để doanh nghiệp sớm tiếp tục thực hiện dự án.
Ngược lại, chủ đầu tư dự án BĐS cần phải cam kết về tiến độ thực hiện và chế tài liên quan nếu không tiếp tục triển khai thực hiện. Bởi chính điều này sẽ ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp và thị trường BĐS trong thời gian tới.
Tấn Việt
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/loay-hoay-giai-cuu-cac-du-an-bat-dong-san-tai-quang-nam.html