Ngày 28-10, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị Triển khai Luật Nhà ở năm 2023, Luật Kinh doanh bất động sản (KDBĐS) năm 2023 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức tham dự hội nghị.
Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức phát biểu tại hội nghị. Ảnh: H.Lộc
Giải tỏa áp lực nhà ở
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức cho rằng, Luật Nhà ở năm 2023 và Luật KDBĐS năm 2023 đã được Quốc hội thông qua và đã có hiệu lực thi hành từ ngày 1-8-2024. Việc đảm bảo các điều kiện để 2 luật này cùng với Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực sớm hơn 5 tháng so với quy định là nỗ lực của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành nhằm đưa những nội dung mới, mang tính đột phá của luật đi vào cuộc sống, góp phần thực hiện mục tiêu hoàn thiện thể chế, chính sách; tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng nhà ở, tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội.
Cũng theo Chủ tịch UBND tỉnh, 2 luật nói trên và các nghị định hướng dẫn thi hành đã bao trùm phần lớn các nội dung quản lý nhà nước trong lĩnh vực nhà ở và KDBĐS. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để tỉnh tổ chức quản lý, sử dụng, phát triển hiệu quả nhà ở. Để kịp thời đưa luật vào cuộc sống, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả trên phạm vi toàn tỉnh, UBND tỉnh tổ chức hội nghị này.
Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị đại biểu tham dự hội nghị tập trung lắng nghe, theo dõi và thảo luận kỹ lưỡng các điểm mới, nội dung còn chưa rõ, có cách hiểu khác nhau để các cơ quan của bộ giải đáp nhằm đạt được sự thống nhất trong nhận thức và tổ chức thực hiện.
Cụ thể hóa các quy định
Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) Nguyễn Mạnh Khởi cho hay, hiện Chính phủ, các bộ, ngành đã ban hành hầu hết các thông tư, nghị định hướng dẫn thi hành để đảm bảo có hiệu lực thi hành cùng các luật khác liên quan đến nhà ở là: Luật KDBĐS năm 2023 và Luật Đất đai năm 2024. Các luật này là cơ sở pháp lý để tháo gỡ các vướng mắc về thể chế, chính sách.
Theo ông Khởi, Luật Nhà ở hiện hành có nhiều nội dung cụ thể, chi tiết có thể áp dụng ngay mà không cần phải chờ nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành. Điển hình như luật quy định cụ thể các hình thức tái định cư là: xây dựng nhà ở theo dự án; đặt hàng hoặc mua nhà ở thương mại; tái định cư bằng tiền… Điều này giúp địa phương lựa chọn hình thức phù hợp với điều kiện thực tiễn, người được tái định cư lựa chọn hình thức phù hợp với nhu cầu.
Đối với Đồng Nai, ông Khởi lưu ý, thành phố Biên Hòa là đô thị loại I, việc bố trí tái định cư các dự án sau ngày 1-8-2024 chỉ có thể mua nhà ở thương mại, nhà ở xã hội hoặc thanh toán tiền chứ không được làm các khu tái định cư hình thức phân lô như trước đây.
Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) Vương Duy Dũng đã phổ biến những nội dung trọng tâm, những điểm mới của Luật KDBĐS năm 2023. Đối với luật này, ông Dũng lưu ý, có nhiều quy định thuộc thẩm quyền quyết định của địa phương. Cơ quan quản lý nhà nước, nhất là Sở Xây dựng, xem xét, tham mưu để UBND tỉnh ban hành đầy đủ, kịp thời các văn bản làm cơ sở để triển khai thực hiện.
Cũng theo ông Dũng, Luật KDBĐS năm 2023 tháo gỡ nhiều vướng mắc cho chủ đầu tư lẫn khách hàng trong bán/mua nhà ở hình thành trong tương lai. Luật bổ sung quy định về công khai thông tin dự án nhằm hạn chế tình trạng huy động vốn, chuyển nhượng, bán sản phẩm không đúng quy định…
Luật mới gỡ vướng gì cho doanh nghiệp?
Trao đổi tại hội nghị, ông Hồ Đức Thành, Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Phát triển đô thị công nghiệp số 2 (D2D) nêu, quỹ đất 20% thuộc Dự án Khu dân cư Lộc An – Bình Sơn (huyện Long Thành) công ty đã đầu tư hạ tầng kỹ thuật, nay muốn làm dự án nhà ở xã hội, thay vì bàn giao đất về cho địa phương thì có được thực hiện luôn hay phải đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư?
Về vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Khởi cho rằng, theo luật hiện hành, chủ đầu tư được phép thực hiện dự án nhà ở xã hội tại quỹ đất 20% nhà ở thương mại. Trường hợp Nhà nước chưa có quyết định thu hồi quỹ đất 20% thì nhà đầu tư không phải đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, mà chỉ cần làm thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư của dự án để triển khai.
Theo Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn thiết kế và xây dựng Thành Thắng (thành phố Long Khánh) Nguyễn Tấn Kiệt, nhiều khách hàng của dự án nhà ở xã hội của công ty tại thành phố Long Khánh gặp khó khăn trong xác nhận điều kiện thu nhập. Công ty đã có văn bản kiến nghị Sở Xây dựng, nhưng đến nay vẫn còn nhiều hồ sơ chưa được xác nhận. Chủ đầu tư rất mong lãnh đạo bộ, địa phương có tháo gỡ cho người mua nhà lẫn chủ đầu tư.
Bên cạnh đó, nhiều nội dung liên quan đến chuyển giao dự án, trách nhiệm của ban quản trị chung cư khi chủ đầu tư đã bàn giao hạ tầng, xác định tổng mức đầu tư dự án nhà ở, yêu cầu năng lực kinh nghiệm trong đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, bán nhà ở hình thành trong tương lai… được lãnh đạo cục trao đổi và ghi nhận để báo cáo Bộ Xây dựng, các cơ quan có thẩm quyền.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi nhấn mạnh, những nội dung các báo cáo viên trao đổi tại hội nghị mang tính chuyên môn sâu, rất thiết thực, bổ ích để các cơ quan, đơn vị, sở, ngành, địa phương tiếp thu, học tập và vận dụng vào thực tế. Đây là những nội dung mới, quan trọng tỉnh phải thực hiện trong thời gian tới để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước lĩnh vực nhà ở, BĐS. Vì thế, các đại biểu dự hội nghị cần tiếp tục nghiên cứu kỹ nội dung của 2 luật trên để vận dụng, thực hiện trong thời gian tới.
Đồng Nai hiện có hơn 230 dự án bất động sản thương mại đang triển khai, gần 700 hécta đất thực hiện các dự án tái định cư, khoảng 1 ngàn hécta đất làm các dự án nhà ở xã hội. Các điểm mới từ 2 luật nói trên và nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành luật sẽ giúp tỉnh tháo gỡ nhiều tồn tại, tạo cơ chế thông thoáng để thu hút đầu tư mới. Từ đó, gia tăng nguồn cung nhà ở, cân đối cơ cấu sản phẩm, giải tỏa áp lực nhà ở cho người dân.
Hoàng Lộc
Nguồn: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202410/luat-nha-o-va-luat-kinh-doanh-bat-dong-san-se-giai-toa-ap-luc-nha-o-cho-dong-nai-fa30b79/